Mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa vừa phát đi công văn số 1548 về việc góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết đối với các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, hiện nay một số dự án chưa đáp ứng các điều kiện để huy động vốn nhưng các chủ đầu tư cấp 1 vẫn đăng trên các website, các trang mạng xã hội để quảng cáo và ký hợp đồng dưới hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân để thu tiền của khách hàng làm nguồn vốn phát triển dự án. Khi phát sinh tranh chấp thì khách hàng là bên thiệt thòi và chịu nhiều thiệt hại.
Để tránh việc gây rủi ro, thiệt hại cho khách hàng, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh thông tin, khuyến cáo người dân khi thực hiện việc mua bán, hợp đồng đặt cọc giữ chỗ mua nhà ở hình thành trong tương lai phải tham khảo đầy đủ các quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật dân sự trước khi thực hiện các giao dịch để tránh các thiệt hại có thể xảy ra.
Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện các quy định trong việc huy động vốn đã được quy định theo quy định pháp luật nhà ở, pháp luật kinh doanh bất động sản.
Trước đó, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận cũng đã có Văn bản số 962 về việc chấn chính giao dịch, mua bán và chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn tỉnh.
Sở Xây dựng Bình Thuận cho biết, theo phản ánh của báo chí và đơn thư kiến nghị của người dân gửi đến Sở Xây dựng, thông tin trên mạng internet và các mạng xã hội khác, chủ đầu tư và đơn vị phân phối một số dự án kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận thực hiện việc rao bán, chuyển nhượng bất động sản thông qua các hình thức giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí để thu tiền của người mua, trong khi các hình thức này không được quy định trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản và các quy định pháp luật có liên quan.
Một số chủ đầu tư và đơn vị môi giới đăng tải thông tin các dự án kinh doanh bất động sản không đúng với tính chất, mục tiêu, quy mô của dự án đã được chấp thuận đầu tư, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh, có khả năng gây mất an ninh trật tự và có nguy cơ trở thành điểm nóng về tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Do đó, để hoạt động kinh doanh bất động sản thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, Sở Xây dựng đề nghị 32 chủ đầu tư các dự án kinh doanh bất động sản (theo danh sách đính kèm) thực hiện một số nội dung sau:
Danh sách 32 chủ đầu tư các dự án
kinh doanh bất động sản tại Bình Thuận được yêu cầu công khai thông tin.
Nguồn: Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận
Không thực hiện hoặc ký kết hợp đồng với đơn vị môi giới bất động sản để thực hiện các hoạt động giao dịch mua bán, chuyển nhượng hoặc vận dụng các hình thức giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí; đăng tải trên mạng internet và các mạng xã hội khác về các nội dung liên quan đến hoạt động giao dịch bất động sản khi các bất động sản chưa đủ điều kiện giao dịch.
Chủ đầu tư các dự án kinh doanh bất động sản phải công khai thông tin bất động sản đưa vào kinh doanh theo quy định tại Điều 6 Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014 để các tổ chức, cá nhân biết khi thực hiện việc giao dịch, mua bán, chuyển nhượng.
Đối với các dự án bất động sản đủ điều kiện mua bán, chuyển nhượng, Sở Xây dựng đã đăng tải thông tin công khai trên website của Sở Xây dựng (địa chỉ: http://sxd.binhthuan.gov.vn) để người dân biết khi thực hiện việc giao dịch mua bán, chuyển nhượng.
Sở Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và địa phương rà soát thông tin các dự án bất động sản chưa đủ điều kiện mua bán, chuyển nhượng nhưng thực hiện việc rao bán, chuyển nhượng bất động sản thông qua các hình thức giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí để thu tiền của người mua để chấn chỉnh kịp thời.
Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.