Tính từ đầu năm nay đến hết ngày 13/3, Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh đã thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1.800 tỷ đồng, trong đó thu từ đất 512 tỷ đồng; thu thuế, phí hơn 1.288 tỷ đồng, đạt 22,2% dự toán HĐND tỉnh Hà Tĩnh giao và tăng 50% so với cùng kỳ năm 2023. Nếu trừ tiền sử dụng đất, tổng thu thuế, phí tăng 63% so với cùng kỳ năm 2023.
Tại tỉnh này, một số sắc thuế thu đạt kết quả cao so với cùng kỳ năm 2023, như: Thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tăng 222%, thuế bảo vệ môi trường tăng 174%, tiền thuê đất tăng 168%, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 96% so với cùng kỳ năm 2023, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 71%, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 51%, tiền sử dụng đất tăng 50%…
Theo thông tin từ Cục Thống kê Hà Tĩnh, tính chung 2 tháng đầu năm 2024, tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý của tỉnh này ước đạt 395,65 tỷ đồng, giảm 26,94% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chủ yếu do vốn kế hoạch tỉnh Hà Tĩnh được giao năm 2024 giảm 27,65% so với năm trước. Các công trình nguồn vốn Trung ương và vốn ODA thực hiện chậm do còn vướng mắc công tác giỉa phóng mặt bằng cùng như quy trình đầu tư, hồ sơ thi công dẫn đến giá trị thực hiện các tháng đầu năm còn đạt thấp, chỉ đạt 8,83% kế hoạch năm.
Trong 2 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp công nghiệp tại Hà Tĩnh tiếp tục duy trì ổn định chuỗi sản xuất, trong đó gang thép Fomosa, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I tiếp tục tạo động lực tăng trưởng của tỉnh này. Chỉ số sản xuất công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh tính đến cuối tháng 2/2024 tăng 10,44% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng tăng hơn 17%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,56%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 34,49%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 18,78%.
Trong nhóm 20 sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp Hà Tĩnh, có 12 nhóm sản phẩm trong 2 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ và có 7 nhóm sản phẩm có chỉ số giảm.
Một số sản phẩm công nghiệp của Hà Tĩnh trong 2 tháng qua tăng so với năm trước, như: Quặng zincon và tinh quặng zincon tăng gần 60%, bia đóng lon tăng gần 49%, điện sản xuất tăng hơn 36%…
Một số sản phẩm công nghiệp của tỉnh này giảm, như: Chè nguyên chất giảm hơn 81%, mực đông lạnh giảm gần 62%; gạch xây băng đất sét nung giảm hơn 28%, dịch vụ sản xuất dược phẩm giản hơn 20%…
Tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tại Hà Tĩnh trong 2 tháng đầu năm tăng hơn 15% so với cùng kỳ. Trong đó, chỉ số sử dụng lao động của ngành khoáng sản tăng gần 12% so với cùng kỳ. Đồng thời, một số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tại tỉnh này mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm, vì vậy, nguồn nhân lực ngành này tăng hơn 19% so với cùng kỳ.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, doanh thu bán lẻ của tỉnh này đạt hơn 11.565 tỷ đồng, hơn tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước đạt gần 1.249 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu vận tải của tỉnh trong 2 tháng qua dự tính đạt hơn 1.196 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vận tải hành khách dự tính đạt hơn 673 tỷ đồng, tăng 1,45%; doanh thu kho bãi dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt hơn 228 tỷ đồng, tăng hơn 29% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn Hà Tĩnh 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt hơn 2.850 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu nội địa ước đạt 1.450 tỷ đồng, tăng 39% cùng kỳ; thu xuất nhập khẩu ước đạt 1.400 tỷ đồng, tăng 21% cùng kỳ năm 2023. Một số sắc thuế nội địa tăng khá như thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 52%; thuế bảo vệ môi trường tăng 138%.