UBND Thành phố đã trình HĐND về việc thông qua Đề án thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công – Ảnh: VGP
Tại Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 10/7/2024 của Chính phủ đã giao trách nhiệm cho UBND các tỉnh, thành phố: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Quảng Ninh triển khai thí điểm Mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh là cơ quan hành chính.
Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, Tổ công tác thực hiện Đề án số 06 của Chính phủ, Tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc 04 địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai thí điểm Mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp.
Riêng thành phố Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ có kết luận chỉ đạo tại Thông báo số 323/TB-VPCP ngày 15/7/2024 của Văn phòng Chính phủ: “UBND thành phố Hà Nội xây dựng mô hình thí điểm Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND Thành phố là cơ quan hành chính, thí điểm thực hiện từ tháng 9 năm 2024 đến ngày 30 tháng 11 năm 2025”.
Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải, UBND Thành phố đã trình HĐND về việc thông qua Đề án thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TP. Hà Nội để xem xét, thông qua vào kỳ họp chuyên đề HĐND dự kiến din ra cuối tháng 9/2024.
Hà Nội đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, đi đầu về thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thí điểm Mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh là cơ quan hành chính.
Việc triển khai thí điểm mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội là bước đi tất yếu, trên cơ sở kế thừa những kết quả đã đạt được từ “Mô hình Bộ phận Một cửa hiện đại” của Thành phố nhằm nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Hiện nay, toàn Thành phố có 677 Bộ phận Một cửa được bố trí tại các địa điểm thuận tiện cho việc tiếp nhận và trả kết quả, giúp người dân dễ tiếp cận (thường đặt tại vị trí trung tâm của trụ sở đơn vị).
Việc thành lập Trung tâm sẽ giảm số lượng bộ phận “một cửa” (giảm từ 673 bộ phận “một cửa” còn 30 chi nhánh); giảm số lượng công chức, viên chức tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” (giảm từ 2.768 nhân sự còn 184 người), giúp tiết kiệm hơn 13,3 tỷ đồng/tháng ngân sách nhà nước trong trả lương, phúc lợi và các chi phí liên quan.
Mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập của mô hình Bộ phận Một cửa “truyền thống” như: Thiếu tính độc lập; chưa có cơ quan chuyên trách cấp Thành phố với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và công cụ để điều phối, giám sát, kiểm soát việc tiếp nhận, giải quyết TTHC công khai, minh bạch; chưa thực sự chú trọng đến cải thiện mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân; Chưa chủ động tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong khi chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến “tỷ lệ thấp, còn hình thức”, tỷ lệ số hóa hồ sơ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa còn hạn chế, mức độ hài lòng của tổ chức và cá nhân chưa cao…
Thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công Hà Nội là cơ quan chuyên trách về tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ TTHC là sự cải tiến toàn diện xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, trên cơ sở kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm của việc thí điểm thành lập Trung tâm Hành chính công tại một số phường thuộc Thành phố và trên nền tảng khắc phục những tn tại, hạn chế từ các mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công đang được triển khai tại các tỉnh, thành trong cả nước
Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội được xây dựng là một mô hình cải tiến toàn diện, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của các mô hình đã triển khai tại các địa phương trên cả nước.
Với tính độc lập trong tổ chức, ứng dụng mạnh mẽ CNTT và quy trình số hóa, mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công, tăng cường tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong giải quyết TTHC.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Minh Hải, đây không chỉ là bước tiến trong cải cách hành chính mà còn là minh chứng cho “Tầm nhìn dài hạn – Tư duy sáng tạo – Giải pháp thông minh” của Thành phố trong việc xây dựng chính quyền số, phục vụ người dân và doanh nghiệp, khẳng định “Tư duy Thủ đô, hành động Hà Nội” trong nỗ lực chung nhằm cải thiện sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của một đô thị đặc biệt.
Mô hình tổ chức Trung tâm phục vụ hành chính công giai đoạn 1
Tiếp nhận TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính
Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố được thành lập với cơ cấu tổ chức độc lập, trực thuộc UBND Thành phố. Các Chi nhánh tiếp nhận và giải quyết TTHC được tổ chức thành các đơn vị trực thuộc, có con dấu riêng và được đầu tư trụ sở, trang thiết bị làm việc đầy đủ.
Điều này không chỉ bảo đảm tính chuyên nghiệp mà còn nâng cao hiệu quả giám sát, quản lý và điều phối toàn diện giữa các cấp.
Mô hình mới của Thành phố cho phép tiếp nhận TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính, nghĩa là người dân có thể thực hiện các TTHC tại bất kỳ Chi nhánh, Điểm tiếp nhận nào thuận tiện thay vì phải đến các cơ quan hành chính tại địa phương cư trú. Đây là một cải tiến vượt bậc so với mô hình hiện tại của Quảng Ninh và Bắc Ninh, nơi sự phân bổ địa giới vẫn còn là rào cản lớn.
Quá trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ xác định được số hóa hoàn toàn, từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả, giúp tối ưu hóa thời gian và công sức. Quy trình này được tự động hóa và liên thông giữa các sở, ban, ngành và UBND các cấp, bảo đảm theo dõi, giải quyết TTHC nhanh chóng, minh bạch.
Mô hình của Hà Nội nhấn mạnh việc ứng dụng CNTT và số hóa toàn bộ quy trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ. Trung tâm không chỉ là nơi tiếp nhận mà còn là đầu mối quản lý, theo dõi và giám sát toàn bộ quy trình giải quyết TTHC trên môi trường số. Tất cả hồ sơ được số hóa trước khi giải quyết và lưu trữ điện tử, giảm thiểu tối đa tình trạng thất lạc hoặc sai sót trong quá trình lưu trữ, xử lý. Đây là một cải tiến đáng kể so với Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh Bắc Ninh và phần lớn các tỉnh, thành khác trên cả nước, nơi việc số hóa hồ sơ chưa được áp dụng toàn diện
Trung tâm Phục vụ hành chính công giữ vai trò điều phối chung, là công cụ hiệu quả để phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo của Lãnh đạo UBND Thành phố.
Tháo gỡ các điểm “nghẽn” và giải quyết tình trạng “ách tắc” trong giải quyết TTHC
Đề án này của TP. Hà Nội cũng nhằm tháo gỡ các điểm “nghẽn” và giải quyết tình trạng “ách tắc” trong giải quyết TTHC (đặc biệt ở các sở, ngành và trong các lĩnh vực như: đất đai, đầu tư, quy hoạch, xây dựng,…) có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh, chỉ số phát triển của Thành phố như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Thành phố (PCI) liên tục bị tụt hạng từ vị trí thứ 10 (năm 2021) xuống thứ 18 (năm 2022), thứ 28/63 (năm 2023); chỉ số tiếp cận đất đai 61/63, gia nhập thị trường 54/63, chi phí thời gian 47/63; kết quả xếp hạng chỉ số hài lòng của người dân về cung ứng dịch vụ công của Thành phố (SIPAS) vẫn ở mức trung bình so với cả nước 21/63.
Bên cạnh đó, tối đa hóa phạm vi tiếp nhận TTHC tại một địa điểm theo hướng tiếp nhận hồ sơ TTHC, dịch vụ công không phụ thuộc vào địa giới hành chính; giảm đầu mối bộ phận một cửa riêng lẻ tại các cơ quan nhà nước, bảo đảm mỗi người dân đều có thể tiếp cận với các dịch vụ công được cung cấp trong bán kính dưới 30 phút di chuyển hoặc trong vòng bán kính không quá 5 km, phục vụ 24/7.
Trung tâm sẽ thực hiện theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 dự kiến từ ngày 1/10/2024 đến hết ngày 31/3/2025 (được xác định là giai đoạn then chốt, có tính quyết định); giai đoạn 2 dự kiến từ ngày 1/4/2025 đến hết ngày 30/6/2025 và giai đoạn 3 từ ngày 1/7/2025 trở đi. Trên cơ sở quyết định thành lập của HĐND thành phố, UBND thành phố ban hành quyết định quy định tổ chức bộ máy và nhiệm vụ, quyền hạn thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công (dự kiến trong tháng 10/2024).