Nhiều mô hình cải cách đã giúp giảm thời gian, tiền bạc khi thực hiện TTHC – Ảnh: VGP
Nhiều mô hình rút ngắn thời gian về TTHC
Từ đầu tháng 7/2023, quận Hai Bà Trưng triển khai mô hình “Ngày thứ Tư tốc ký”, mô hình được thực hiện qua ứng dụng công nghệ thông tin với mong muốn là giải pháp hữu hiệu góp phần nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi đến làm thủ tục hành chính (TTHC) tại bộ phận Một cửa của quận.
Theo đó, vào thứ Tư hằng tuần, tại bộ phận Một cửa của quận, TTHC “cấp bản sao trích lục hộ tịch” được tiếp nhận từ 8h – 15h sẽ được công chức giải quyết và trả kết quả ngay trong vòng 2 giờ làm việc, thay vì trong 8 giờ làm việc theo quy định. Với trường hợp nộp hồ sơ sau 15h00 đến 16h30 thì sẽ được trả kết quả trong sáng làm việc hôm sau.
Quy trình thực hiện là mọi người dân, đại diện doanh nghiệp giao dịch trực tiếp tại bộ phận Một cửa sẽ được công chức kiểm tra đối chiếu hồ sơ, nếu đủ điều kiện thì được hỗ trợ kê khai, nhập hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC. Mọi thành phần hồ sơ đối với TTHC này đã được UBND quận cho niêm yết công khai theo quy định ngay tại bộ phận Một cửa.
Còn tại huyện Gia Lâm, sau 1 năm triển khai mô hình “Ngày thứ Ba không viết, không giấy hẹn” trong giải quyết thủ tục hành chính đã có những kết quả tích cực. Theo đó, 28 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện và 9 TTHC thuộc thẩm quyền UBND cấp xã được nộp trực tiếp tại bộ phận “một cửa” vào thứ Ba hàng tuần (sáng từ 8h30-10h00, chiều từ 13h30-15h00) sẽ được trả kết quả chỉ trong vòng 2 giờ (kết quả giải quyết TTHC được trả vào chiều cùng ngày đối với hồ sơ tiếp nhận sau 10h00 và trong ngày làm việc kế tiếp đối với hồ sơ tiếp nhận sau 15h00)
Sau 1 năm triển khai thực hiện, toàn huyện đã giải quyết 37 TTHC tại cấp huyện và cấp xã sau 2 giờ kể từ khi tiếp nhận, với trên 20.000 hồ sơ, đạt trung bình 1.700 hồ sơ/ tháng. Công dân được lấy kết quả của TTHC chỉ trong vòng 2 giờ kể từ khi nộp hồ sơ (khi hồ sơ thỏa mãn điều kiện), trong đó nhiều thủ tục chưa đến 2 giờ đã được nhận kết quả.
Còn tại quận Ba Đình, quận thành lập “Bộ phận làm ngay” trong tiếp nhận và giải quyết TTHC cho người dân. Theo đó, người dân, doanh nghiệp có nhu cầu thực hiện 05 thủ tục hành chính bao gồm: Chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận; Chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận; Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản; Chứng thực chữ ký người dịch mà người dịch là cộng tác viên dịch thuật của phòng Tư pháp; Chứng thực chữ ký người dịch mà người dịch không phải là cộng tác viên dịch thuật… khi đến thực hiện tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính quận Ba Đình sẽ được tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả ngay.
Quận Ba Đình nhận định, đây là 5 TTHC được người dân có nhu cầu thực hiện thường xuyên, phát sinh nhiều hồ sơ trong năm. Tính trong 9 tháng năm 2023, quận đã tiếp nhận và giải quyết gần 5.300 hồ sơ chứng thực sao y bản chính và trên 7.600 hồ sơ chứng thực chữ ký.
Tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy
Đối với với công tác cải cách hành chính năm 2023, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, Thành phố xác định cải cách TTHC là nhiệm vụ trọng tâm, từ đó chú trọng rà soát, công bố, công khai các TTHC, xây dựng các quy trình liên thông TTHC, quy trình giải quyết công việc hành chính.
Kết quả của việc xây dựng các quy trình, quy trình phối hợp để giải quyết công việc nội bộ là các sở, ban, ngành đã phê duyệt 450 quy trình; cấp huyện ban hành 1.789 quy trình; cấp xã ban hành 2.962 quy trình giải quyết các công việc nội bộ (ngoài TTHC) và 128 quy trình liên thông giải quyết công việc cấp xã và cấp huyện.
Việc rà soát, đơn giản hóa TTHC đạt tỷ lệ trên 20%, trong đó, ngoài việc rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm, rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC, cắt giảm thành phần hồ sơ, tiết kiệm chi phí cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện TTHC.
Năm 2023, Hà Nội tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máycác cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật. Cụ thể là rà soát về cơ cấu, tổ chức bộ máy, xây dựng phương án sắp xếp các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp.
Thành phố đã hoàn thành việc rà soát chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các Sở; các Chi cục, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Thành phố; tập trung rà soát đồng bộ các nhiệm vụ giao thoa, chồng chéo nhằm tinh gọn bộ máy. Kết quả, Thành phố đã giảm từ 6 xuống còn 4 đơn vị đối với các Ban Quản lý dự án chuyên ngành; giảm 2 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp; 2 chi cục thuộc sở; 7 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở; 01 đơn vị sự nghiệp thuộc chi cục thuộc.
Tiếp tục phân cấp, ủy quyền đi cùng với kiểm tra, giám sát
Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, Thành phố tập trung đẩy mạnh theo hướng xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các sở, ngành, địa phương; cơ quan nào đủ điều kiện thực hiện tốt nhất thì giao việc đi đối với tăng cường, kiểm tra, giám sát. Kết quả, toàn Thành phố đã ủy quyền 578 TTHC, đạt tỷ lệ 94%.
Còn kết quả việc rà soát sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Qua rà soát, toàn Thành phố có 173 đơn vị hành chính cấp xã cần phải sắp xếp đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 35 của Quốc hội. Dự kiến sau sắp xếp, giảm còn 509 đơn vị hành chính cấp xã.
Hiện nay, các cơ quan, đơn vị đang tích cực rà soát, đánh giá, đảm bảo hoàn thành việc sắp xếp và thời gian theo yêu cầu (hoàn thành để báo cáo Chính phủ, trình Quốc Hội chậm nhất trước ngày 31/3/2024).
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn, năm 2024, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền TTHC trên địa bàn Thành phố; tiếp tục triển khai Đề án 06 của Chính phủ gắn với số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội.
Thành phố sẽ đánh giá hiệu quả của việc thực hiện quy chế/quy trình liên thông TTHC, trọng tâm là các lĩnh vực: Tài nguyên – Môi trường, Xây dựng – Đô thị, Lao động – Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa – Xã hội; xây dựng quy chuẩn, quy trình giải quyết công việc hành chính (ngoài phạm vi thủ tục hành chính).
Tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó tập trung theo dõi, đánh giá các cơ quan, đơn vị sau sắp xếp. Thực hiện nghiêm quy định về định kỳ tổ chức đối thoại với người dân, doanh nghiệp về TTHC; theo dõi, kiểm soát có hiệu quả các nội dung, kênh thông tin liên quan đến kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp về TTHC.