UBND tỉnh ban hành Quyết định 2454/QĐ-UBND phê duyệt đồ án Quy hoạch chung đô thị mới An Thịnh, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đến năm 2045.
Mục tiêu của đồ án nhằm cụ thể hóa đồ án Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1086/QĐ-TTg ngày 18/9/2023; Chương trình phát triển đô thị tỉnh Yên Bái đến năm 2030 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái phê duyệt tại Quyết định số 116/QĐ-UBND ngày 25/01/2021. Xây dựng chiến lược phát triển, định hướng không gian, phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng và phát triển đô thị An Thịnh trở thành đô thị loại V giai đoạn đến năm 2025, phát triển theo hướng bền vững, phòng tránh thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Đồng thời làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý sử dụng đất đai, kiểm soát phát triển đô thị và quản lý cơ sở hạ tầng, tạo lập môi trường sống thích hợp, đảm bảo kết hợp hài hòa giữa chức năng đất ở, sản xuất, dịch vụ, du lịch, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và quốc phòng an ninh. Từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị tỉnh Yên Bái phát triển bền vững, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; có sắc thái kiến trúc đô thị riêng và môi trường, chất lượng sống tốt; có vị thế và tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế – xã hội quốc gia, khu vực và quốc tế.
Phía Bắc đô thị mới An Thịnh giáp xã Mậu Đông và xã Tân Hợp; Phía Nam giáp xã Đại Sơn, Đại Phác, Yên Phú, Yên Hợp; Phía Đông giáp thị trấn Mậu A và xã Yên Hợp; Phía Tây giáp xã Tân Hợp và xã Đại Sơn.
Đô thị mới An Thịnh là đô thị theo định hướng phát triển của huyện Văn Yên giai đoạn 2025 – 2045 có nhiều thế mạnh về giao thông, có cơ sở hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ nằm trong Chương trình Phát triển đô thị tỉnh Yên Bái đến năm 2030.
Quy mô diện tích lập quy hoạch 2.660,89ha được xác định trên bản đồ địa hình tỷ lệ 1/5.000. Quy mô dân số năm 2021 là 9.920 người; quy mô dân số toàn xã dự báo đến năm 2030 khoảng 13.323 người; đến năm 2045 khoảng 24.275 người. Hướng phát triển của đô thị được xác định từ vị trí trung tâm, phát triển chủ yếu về phía phía Đông và phía Đông Bắc của xã.
Toàn bộ khu vực nghiên cứu lập quy hoạch được phân thành 02 khu chức năng chính:
Phân khu số 1: Phân khu phía Bắc có diện tích 1.389 ha, chiếm 52,2% tổng diện tích đất tự nhiên toàn xã. Vị trí giới hạn là toàn bộ phần diện tích phía bên trái Ngòi Bục (theo dòng chảy) đến hết ranh giới của xã. Đây là vành đai sinh thái, bảo tồn cảnh quan lối sống nông nghiệp. Là khu vực phát triển đô thị kết hợp với sản xuất nông, lâm nghiệp. Cải tạo, chỉnh trang, xây dựng đô thị dựa trên các khu vực dân cư hiện hữu với mật độ xây dựng vừa và nhỏ.
Phân khu số 2: Phân khu phía Nam có diện tích 1.271,89 ha, chiếm 47,8% tổng diện tích đất tự nhiên toàn xã được xác định là trung tâm đô thị hiện hữu phát triển theo các trục giao thông động lực, bao gồm hệ thống trung tâm hành chính, chính trị, các công trình hạ tầng xã hội cấp đô thị như: Trung tâm y tế, giáo dục, an ninh, quân sự, trung tâm văn hóa, công viên đô thị,…Phân khu số 2 có vị trí giới hạn là toàn bộ phần diện tích phía bên phải Ngòi Bục (theo dòng chảy) đến hết ranh giới của xã.
Không gian đô thị được phân thành 3 vùng cảnh quan chính: Vùng cảnh quan núi cao (gắn với các dãy núi chạy dọc phía Tây Nam của xã); vùng cảnh quan mặt nước (gắn với sông Hồng, suối Ngòi Bục và hệ thống các khe suối nhỏ); vùng cảnh quan đô thị (gắn với các khu vực phát triển dân cư và các khu chức năng đô thị dọc đường tỉnh ĐT.175 và khu vực đầu cầu Mậu A.