Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần phải xây dựng mô hình tổ chức không gian phát triển hiệu quả và có tính kết nối cao, nhằm khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế sẵn có, khơi dậy những động lực tăng trưởng mới cho tỉnh, vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050
Cửa ngõ trung chuyển của miền Nam
Ngày 1/2, Bộ KH&ĐT chủ trì Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Quy hoạch tổng thể quốc gia đã xác định Đồng Nai thuộc vùng động lực phía Nam, dẫn đầu cả nước và hàng đầu khu vực Đông Nam Á về kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Vì vậy, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, đây chính là cơ hội để tỉnh Đồng Nai xác định sứ mệnh của tỉnh.
Mục tiêu tổng quát mà Quy hoạch đặt ra là đến năm 2030, Đồng Nai sẽ đi đầu trong phát triển công nghiệp hiện đại; là trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; là cửa ngõ trung chuyển của miền Nam, lấy Cảng Hàng không quốc tế Long Thành làm hạt nhân. Đến năm 2050, Đồng Nai là một trong những cực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam.
Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 khoảng 10%/năm. GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 khoảng 14.650 USD. Tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2031-2050 đạt 6,5-7%.
Quy hoạch cũng định hướng xây dựng 5 trung tâm logistics, một trong số đó là trung tâm phía Bắc sân bay Long Thành. Tại đây, tỉnh đề xuất phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo với quy mô khoảng 300 ha.
Quy hoạch cần nhận diện và giải quyết những “điểm nghẽn’ lớn
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nhận định, Đồng Nai có rất nhiều lợi thế mà không phải địa phương nào cũng có được. Về tự nhiên, tỉnh có diện tích rộng, địa hình cao tương đối bằng phẳng, khí hậu ôn hoà, có nguồn nước ổn định, rất ít khi chịu ảnh hưởng của bão lụt và thiện tai. Đây là cơ hội và tiềm năng sẵn có để tỉnh bố trí không gian phát triển kinh tế-xã hội mang tính ổn định và bền vững.
Về kinh tế, Đồng Nai là một tỉnh cửa ngõ của vùng Đông Nam Bộ – vùng kinh tế phát triển và năng động nhất của cả nước. Trong đó, tỉnh là một trong ba góc của tam giác phát triển Thành phố Hồ Chí Minh-Bình Dương-Đồng Nai; có nhiều cụm công nghiệp làng nghề truyền thống và hơn 33 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập đi vào hoạt động ổn định.
Năm 2020, Đồng Nai là tỉnh có dân số đông thứ 5 trên cả nước (gần 3,1 triệu người); xếp thứ 3 về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP đạt gần 400.000 tỷ đồng, tương ứng 17.2 tỷ USD), xếp thứ 6 về thu nhập bình quân đầu người (đạt 124 triệu đồng, tương ứng với 5.300 USD); đứng thứ 19 về tốc độ tăng trưởng GRDP (đạt trên 9,0%).
Về văn hoá-du lịch, bên cạnh tiềm năng phát triển về công nghiệp, nông nghiệp, Đồng Nai còn là vùng đất giàu truyền thống văn hóa nhân văn; có nhiều cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ, như: Vườn quốc gia Cát Tiên, núi Chứa Chan, sông Đồng Nai, hồ Trị An, Thác Mai-Bàu nước sôi… Yếu tố này được xem là điều kiện rất lý tưởng cho các nhà đầu tư phát triển nhiều loại hình du lịch, như sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí, nghiên cứu, khám phá, văn hóa…
Ngoài ra, tỉnh đang phát triển nhanh các dự án nhà ở, khách sạn, bệnh viện, trường học, các dịch vụ tài chính ngân hàng, các dịch vụ vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, siêu thị, sân golf… đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng đánh giá rằng, việc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian qua chưa có bước bứt phá, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh; kinh tế tăng trưởng cao, nhưng chưa thực sự bền vững; hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tuy có tập trung đầu tư, nhưng chưa đồng bộ.
“Những thách thức, điểm nghẽn lớn trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh thời gian qua cần được nhận diện và tập trung xử lý trong bản quy hoạch lần này để tận dụng được thời cơ bứt phá cả về tốc độ và chất lượng tăng trưởng, tạo thêm năng lượng để Đồng Nai phát triển bền vững trong thời gian tới”, ông Phương nhấn mạnh.
Hồ sơ Quy hoạch tỉnh Đồng Nai trình Hội đồng thẩm định tại phiên họp đã thể hiện được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo rất sát sao của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đối với công tác quy hoạch. Tại phiên thẩm định, các thành viên Hội đồng thẩm định, các chuyên gia phản biện đã cho ý kiến quý báu để tỉnh tiếp thu, tiếp tục hoàn thiện, từ đó, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Góp ý của các chuyên gia tập trung vào các nhóm vấn đề chính: Xem xét về tính hợp lý và phù hợp với quy định tại Điều 32 của Luật Quy hoạch về nội dung thẩm định quy hoạch; cho ý kiến về nội dung quy hoạch tỉnh, trong đó lưu ý đến vị thế, vai trò của tỉnh đối với vùng, quốc gia, xác định các “điểm nghẽn”, các ngành ưu tiên và các định hướng mới tạo đột phá phát triển, tổ chức phân bố không gian và phân bổ nguồn lực và giải pháp thực hiện quy hoạc; cho ý kiến đối với Kết quả đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch tỉnh Đồng Nai; cho ý kiến đối với dự thảo Báo cáo thẩm định do cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định chuẩn bị và gửi xin ý kiến tại phiên họp này.