TS. Vũ Văn Tâm, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH dược liệu Vũ Gia, cho biết: “Chúng tôi trồng và sản xuất trà hoa vàng tại Nho Quan (Ninh Bình) gắn với bảo tồn loại cây dược liệu quý hiếm nên được báo chí quan tâm. Giống cây trà hoa vàng là sản phẩm đặc hữu, quý hiếm ở Vườn Quốc gia Cúc Phương. Đến nay, đã có hàng trăm bài báo viết về Công viên trà hoa vàng Nho Quan và sản phẩm trà hoa vàng của Vũ Gia”.
“SỨ GIẢ” CỦA NÔNG SẢN VIỆT
Theo ông Tâm, mục tiêu của Vũ Gia xây dựng công viên bảo tồn tất cả các loài trà hoa vàng của Việt Nam, là công trình công cộng để mọi người quan tâm có thể đến thăm quan, trao đổi kinh nghiệm. Sản phẩm trà hoa vàng được sản xuất theo chu trình khép kín từ sản xuất giống, trồng trọt, thu hái, chế biến đạt tiêu chuẩn GACP-WHO và đã được Bộ Y tế cấp chứng nhận. Doanh thu từ sản phẩm được tái đầu tư toàn bộ cho công tác bảo tồn.
Những yếu tố này là quá trình phát triển bền vững và là động cơ để nhận được sự hỗ trợ của báo chí. Rất nhiều bài báo đã góp sức đưa sản phẩm trà hoa vàng Vũ Gia được xếp hạng OCOP hạng 4 sao. Thương hiệu trà hoa vàng không chỉ có trong nước mà nhiều thị trường trên thế giới cũng biết đến.
Chị Mai Thị Duyên, chủ vựa hoa giấy ở huyện Gia Lâm, cho biết cách đây 7 năm chị trồng hoa giấy để bán nhưng số lượng khách rất ít. Một lần tình cờ có phóng viên báo chí về phỏng vấn về mô hình, từ đó có nhiều người tìm đến vựa hoa nhà chị để hỏi thăm, mua hoa giấy.
“Tôi là người làm nông nên việc tiếp cận với mạng xã hội kém, khi vườn hoa được lên báo với hình ảnh đẹp lung linh, giá cả hợp lý, vườn hoa bỗng có tiếng. Từ đó, tôi đã có cơ hội để mở rộng sản xuất. Từ việc chỉ trồng hoa để bán, tôi đã kết hợp du lịch nông nghiệp, thu lợi nhuận tăng lên nhiều lần”, chị Duyên chia sẻ.
Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, cho biết Bắc Giang là tỉnh trọng điểm nông nghiệp của cả nước, với nhiều nông sản chủ lực. Do vậy, báo chí đóng vai trò đặc biệt quan trọng, giúp tỉnh phát triển đúng hướng.
“Ngày nay trái vải Bắc Giang vươn xa, bay cao tới tận hơn 30 nước trên thế giới. Đây là điều mà trước kia không ai dám nghĩ đến. Thành công này có sự đóng góp vô cùng quan trọng của báo chí”, ông Tùng nhận định, đồng thời khẳng định rằng thông qua báo chí, ngành nông nghiệp Bắc Giang nhận ra những tồn tại, hạn chế của mình. Trên cơ sở thực tiễn, báo chí đã làm rõ lợi ích của sản xuất nông sản an toàn, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Từ đó mở rộng vùng trồng có mã vùng, vùng sản xuất hàng hóa có liên kết, hợp tác, cơ sở đầu tiên để nông sản Việt đi xa hơn, rộng hơn, lớn hơn.
Theo bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, báo chí, truyền thông góp phần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của Việt Nam, đặc biệt là trong thời điểm chúng ta đang gặp khó khăn do dịch Covid-19. Khi ngành nông nghiệp đang chuyển mình từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp thì vấn đề làm thương hiệu cho từng sản phẩm là rất quan trọng.
Báo chí, truyền thông nêu lên được tiềm năng, lợi thế, cũng như phản ánh thực tế, thực trạng trong sản xuất, những thuận lợi, khó khăn. Chính từ đó các bộ, ngành có cái nhìn tổng quan, làm quy hoạch, xây dựng chiến lược cho ngành nông nghiệp thực tế, thực thi, đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên, bà Vy khuyến nghị các cơ quan báo chí cần rà soát về thông tin, để các thông tin của báo chí phản ánh một cách thực tế, chính xác, không để xảy ra tình trạng giật tít theo kiểu giật gân làm ảnh hưởng đến thương hiệu của các sản phẩm. Khi giật tít không đúng hay gây hiểu nhầm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người sản xuất, thương hiệu doanh nghiệp, thị trường và tâm lý người tiêu dùng. Thời gian tới báo chí cần cải thiện vấn đề này.
BÁO CHÍ – DOANH NGHIỆP – NÔNG DÂN CÙNG “NÂNG CẤP”
Nhấn mạnh đến vai trò của báo chí đối với sự thành bại của thương hiệu nông sản, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, cho biết hàng năm, Trung tâm tổ chức nhiều sự kiện, hội chợ, hội thảo, tuần hàng quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm nông sản. Tất cả các dự kiện diễn ra đều có sự ủng hộ mạnh mẽ của truyền thông, báo chí.
Hàng nghìn bài báo đưa tin về các sự kiện, giúp cho các thương hiệu nông sản vươn xa hơn trong nước và quốc tế. Những thông tin không chỉ có sức mạnh và tầm ảnh hưởng đến nhận thức của cộng đồng mà còn làm thay đổi nhận thức của doanh nghiệp, nông dân, người sản xuất nói riêng và của công chúng nói chung về tầm quan trọng của việc xây dựng, bảo vệ, quảng bá thương hiệu nông sản.
Theo ông Tiến, để cạnh tranh với các đối thủ khác, các doanh nghiệp thường phải đầu tư chi phí cho công tác quảng bá thương hiệu. Nhưng đối với nông dân, hợp tác xã và các doanh nghiệp ngành nông nghiệp vốn đầu tư thấp, luôn trong cảnh “giật gấu vá vai”, nên không có tiền để quảng bá thương hiệu nông sản địa phương ra thị trường trong nước, chứ chưa nói đến quảng bá thương hiệu ra thị trường quốc tế. Rất may, hầu hết cơ quan báo chí, truyền thông luôn sẵn sàng quảng bá miễn phí cho nông sản địa phương và nông dân.
Nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền thương hiệu nông sản trên báo chí hiện nay, các chuyên gia cho rằng cần phải thực hiện nhiều giải pháp. Về phía doanh nghiệp ngành nông nghiệp, các địa phương và nông dân, cần thay đổi nhận thức theo hướng tích cực về tầm quan trọng của thương hiệu nông sản. Để bảo đảm giữ gìn và phát triển thương hiệu nông sản một cách bền vững, điểm mấu chốt là không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển mạng lưới bán hàng và đưa thương hiệu nông sản đến với quảng đại người tiêu dùng.
Doanh nghiệp nông nghiệp, các hợp tác xã và nông dân cần tăng cường cung cấp thông tin, tiếp thị hình ảnh thương hiệu nông sản trên báo chí. Doanh nghiệp cần hiểu rằng báo chí là kênh thông tin tốt nhất để đưa sản phẩm, dịch vụ tới người tiêu dùng. Mặt khác, việc chủ động cung cấp thông tin từ phía doanh nghiệp về các vấn đề thương hiệu nông sản sẽ giúp cho phóng viên, biên tập viên về mảng đề tài này hiểu rõ hơn vấn đề để có cách tuyên truyền sao cho hiệu quả nhất đến người tiêu dùng cũng như quảng bá thương hiệu nông sản Việt đến với thị trường quốc tế.
Đối với các cơ quan truyền thông, các chuyên gia cho rằng cần xây dựng đội ngũ phóng viên chuyên sâu tuyên truyền về lĩnh vực thương hiệu nông sản. Bản thân mỗi phóng viên, mỗi nhà báo phải là người am hiểu rõ về sản phẩm nông sản để có định hướng tốt cho bài viết của mình. Các nhà báo cũng cần bám sát cơ sở, lăn lộn với thực tiễn, các nhà báo sẽ hiểu, thấm nhuần được bản chất sự việc để có những bài viết tuyên truyền đúng, trúng, hiệu quả đến công chúng, khán giả. Đội ngũ phóng viên viết về đề tài thương hiệu nông sản cần phải tranh thủ, tận dụng kiến thức chuyên gia hợp lý để có những kiến thức cơ bản quy định trong xây dựng, bảo vệ thương hiệu nông sản hiện nay và có cái nhìn tổng thể, viết đúng, trúng tâm lý công chúng, người đọc.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 25-2023 phát hành ngày 19-06-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam